Thừa Thiên Huế có 45 ngư dân đăng ký vay vốn đóng tàu vỏ thép, trong đó 4 người vừa rút hồ sơ.

Chiều 19/6, ông Nguyễn Trường Chính - Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) cho biết, 4 ngư dân trên địa bàn xã đăng ký đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ đã rút hồ sơ; trong đó 3 người xin chuyển sang đóng tàu vỏ gỗ.

nhieu-ngu-dan-hue-rut-ho-so-dang-ky-dong-tau-vo-thep

4 ngư dân ở Huế rút hồ sơ đóng tàu vỏ thép. Ảnh: Võ Thạnh.

Ngư dân Đỗ Khể cho hay thời gian gần đây thấy một số tàu vỏ thép ở địa phương khác hư hỏng nên anh lo ngại. "Để yên tâm, tôi chuyển từ đóng tàu vỏ thép sang vỏ gỗ và được ngân hàng cho vay 10 tỷ đồng", anh Khể nói.

Trong khi đó, ngư dân Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ: "Hồ sơ của tôi đã xong nhưng gặp khó trong vay vốn nên không hứng thú nữa, chứ không phải lo tàu vỏ thép nhanh hư hỏng".

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Thừa Thiên Huế thông tin, toàn tỉnh có 45 ngư dân đăng ký vay vốn đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67; hiện 2 tàu vỏ thép đã ra khơi, một chiếc khác đang đóng. Theo ông, thời gian gần đây, diễn biến liên quan đến tàu vỏ thép ở Bình Định khiến một số ngư dân lo ngại, ngoài ra các ngân hàng cũng không yên tâm nên việc vay vốn của ngư dân gặp khó khăn.

Tháng 7/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Sau hơn một năm triển khai, chính sách này được sửa đổi, bổ sung một số điều thành Nghị định 89. Theo đó, cả nước sẽ đóng mới 2.079 tàu đánh bắt xa bờ, 205 tàu dịch vụ hậu cần.

Tháng 8/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và công bố 21 mẫu thiết kế kỹ thuật tàu cá vỏ thép khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản xa bờ. Theo chính sách này, ngư dân đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm. Trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.

Nguồn: Vnexpress

01-08-2017