Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng năm 2021, vận tải thủy nội địa đạt 167,64 triệu tấn tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2020 và luân chuyển đạt 39,25 tỷ tấn.km tăng 25,4%. Vận tải hàng hóa bằng đường biển đạt 42,01 triệu tấn, tăng 9,5% và luân chuyển đạt 85,44 tỷ tấn.km, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam sở hữu hệ thống sông ngòi chằng chịt, vì vậy đường thủy nội địa được đánh giá là phương thức vận tải giá thành rẻ, khối lượng chuyên chở lớn.
Tuy nhiên, các tuyến đường thủy nội địa vẫn chưa được phát huy, chủ yếu do khả năng kết nối với các phương thức khác còn hạn chế. Hoạt động thủy nội địa đang phụ thuộc chủ yếu vào luồng lạch tự nhiên khiến việc kết nối đến cảng biển thiếu đồng bộ và có sự chênh lệch lớn về thị phần giữa các khu vực. Hiện Chính phủ đang gấp rút đầu tư phát triển mạng lưới giao thông thủy, khai thác kết cấu hạ tầng đường thủy hiện hữu đồng thời kêu gọi xã hội hóa đầu tư các bến thủy nội địa.
Vận tải đường biển mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid 19, song thời gian qua, nhu cầu tiêu thụ và thương mại trên thế giới đã có xu hướng phục hồi. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, 6 tháng đầu năm 2021 vận tải hàng hóa bằng đường biển đạt 42,01 triệu tấn, tăng 9,5% và luân chuyển đạt 85,44 tỷ tấn.km, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vận tải biển quốc tế của đội tàu biển Việt Nam tăng 54%, chủ yếu vận tải các tuyến gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á...
Đến nay, đội tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam có 1.576 tàu, trong đó đội tàu vận tải là 1.049 tàu với tổng dung tích khoảng 6,1 triệu GT, tổng trọng tải khoảng 9,3 triệu DWT. Tuổi tàu trung bình là 15,5 tuổi. Cơ cấu đội tàu biển Việt Nam trong thời gian qua đã có bước cải thiện đáng kể, đội tàu phát triển theo hướng chuyên dụng hóa, đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa trong nước.
Đứng trước những khó khăn thách thức do dịch bệnh Covid 19 mang lại, nhằm nhanh chóng khôi phục sự phát triển của ngành, Cục Hàng hải Việt Nam đang tập trung xây dựng đề án phát triển vận tải biển. Trong đó cho phép doanh nghiệp vận tải biển được tiếp cận nguồn vay vốn tín dụng đầu tư tàu biển với lãi suất ưu đãi; Điều chỉnh thuế suất thu nhập đối với DN vận tải biển từ 20% xuống 15% trong thời gian 3 năm. Đồng thời, miễn, giảm các loại thuế, phí (phí đăng ký trước bạ, thuế VAT,..) khi đóng hoặc mua tàu mới, tàu chuyên dụng để khuyến khích chủ tàu đầu tư phương tiện nâng cao hiệu quả khai thác.
Tổng hợp